Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Ngân hàng xoay sở đầu ra

Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, tín dụng tăng trưởng âm khiến các ngân hàng chuyển hướng mở rộng cho vay trên nhiều lĩnh vực. 
 
Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank  >>
 
Số liệu thống kê cho thấy quý I/2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng (NH) âm 1,96% so với cuối năm 2011; chỉ số hàng tồn kho của toàn ngành công nghiệp đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước… Các con số trên chứng tỏ doanh nghiệp (DN) không hấp thụ được vốn, đòi hỏi hệ thống NH phải tìm cách khai thông đầu ra. Hạ lãi suất, tăng đối tượng cho vay
Để đón đầu các quy định mới về cho vay, nhất là từ ngày 2-5, các DN nhập khẩu chỉ được phép vay VNĐ, rồi mua USD của NH thanh toán cho đối tác nước ngoài, DN xuất khẩu cần vốn để mua nguyên liệu sản xuất trong nước cũng phải vay VNĐ, NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tung ra 1.000 tỉ đồng cho vay xuất khẩu với lãi suất tối thiểu 16,5%/năm, thời hạn vay tối đa 4 tháng. NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng dành 6.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất tương tự Sacombank, trong đó chủ yếu tập trung vào đối tượng xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa… Còn NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay hỗ trợ xuất khẩu với lãi suất 13,5%/năm, cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, DN nhỏ và vừa, lãi suất tối thiểu 14%/năm.

Ngoài ra, Sacombank cũng dành 1.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Lãi suất áp dụng cho tháng đầu tiên là 12%/năm, thời gian vay tối đa 12 tháng... Do chính sách cho vay tiêu dùng gần như được tháo gỡ khỏi nhóm tín dụng không khuyến khích nên không ít NH đồng loạt hạ lãi suất, hướng dòng tiền cho vay đến nhóm khách hàng cá nhân để mở rộng đầu ra. NH Phương Đông (OCB) đưa lãi suất cho vay mua ô tô, mua nhà từ 22%-24%/năm về khoảng 19%/năm; NH Á Châu (ACB) cũng dành hạn mức tín dụng 7.000 tỉ đồng cho vay khách hàng cá nhân và hộ gia đình. Còn BIDV cho vay tiêu dùng ngắn hạn áp dụng lãi suất từ 16,5% năm trở lên, trung và dài hạn lãi suất từ 17,5%/năm trở lên…
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng Giám đốc OCB, việc mở van tín dụng lĩnh vực không khuyến khích là cơ hội cho NH phát triển tín dụng, nhất là với lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng vì nhu cầu thực tế của thị trường rất lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát tăng dư nợ cho vay không khuyến khích vẫn là khó khăn với các NH.
Cho vay đáo hạn
NH Nhà nước vừa chỉ đạo các NH thương mại thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, ứ đọng tồn kho hàng hóa. NH thương mại phối hợp với khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất, bảo đảm khả năng trả nợ; tiếp tục xem xét cho vay mới.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank, thực chất của việc tái cơ cấu nợ là các NH kéo dãn thời hạn vay đối với khoản vay dài hạn để DN giảm bớt số tiền trả nợ theo từng kỳ hạn. Tuy nhiên, NH phải xem xét từng trường hợp cụ thể, hàng tồn kho của DN nhiều hay ít, vốn vay có bị chiếm dụng không?… Khi đó, NH mới quyết định tái cơ cấu nợ cho DN. Lãnh đạo Sacombank cũng cho biết Sacombank đang lên kế hoạch hỗ trợ vốn và trong tuần sau sẽ xem xét từng DN để tái cơ cấu nợ.
Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết BIDV sẽ tập trung xác định các DN đang gặp khó khăn tạm thời, có định hướng phát triển lâu dài để hỗ trợ vốn. Ngoài việc giảm lãi suất, BIDV còn tăng thêm tín dụng, đặc biệt là tín dụng đáo hạn nhằm cung ứng đủ vốn cho DN duy trì sản xuất kinh doanh, thiết kế gói sản phẩm linh hoạt gồm 4 đối tượng: ngân hàng - nhà đầu tư - nhà thầu - khách hàng để dòng tiền được lưu chuyển tốt hơn.
Ngân hàng Habubank

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét