Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Hạ lãi vay nợ cũ: không chế tài, giải pháp nào?

 
Đưa các món vay cũ có lãi suất trên 15%/năm xuống dưới 15%/năm như phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được các DN kỳ vọng, nhưng Thống đốc vừa cho biết, không có chế tài phạt nếu không thực hiện, mà phụ thuộc vào niềm tin của ngân hàng với DN, đồng thời còn tùy khả năng của mỗi ngân hàng.
Bài liên quan : <<  Ngân hàng habubank vượt qua khó khăn  >>
                         <<  Ngân hàng habubank phát triển mạnh  >>

Bất công!

Giám đốc một DN nhỏ tại Bình Dương cho rằng, các DN nhỏ và vừa (DNNVV), hộ kinh doanh cá thể phát triển mạnh mẽ, chiếm hơn 97% số DN cả nước, đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương…, nhưng lại nhận được sự hỗ trợ rất hạn chế của nền kinh tế.

“Vấn đề là các đối tượng này không lượng hóa được sổ sách, nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tại các ngân hàng lớn với lãi suất thấp, mà buộc phải vay ở các ngân hàng nhỏ với lãi suất rất cao”, vị giám đốc trên nói và nhận xét, “với những đóng góp cho nền kinh tế không nhỏ, vậy mà DN không được ngân hàng hỗ trợ hạ lãi suất xuống dưới 15%/năm, thật là bất công!”.

Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Bắc Việt, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội đại diện cho 650 hội viên (năm ngoái là 800 hội viên) tham dự Hội nghị đối thoại giữa NHNN và DN trên địa bàn Hà Nội. Mặc dù không nói lãi suất cao là nguyên nhân khiến 150 DN nhỏ thuộc Hội ra đi, nhưng ông đã đặt câu hỏi ngay sau đó cho Thống đốc về tính pháp quy của tuyên bố đưa mức trần lãi suất cho vay xuống dưới 15%/năm như thế nào?

Theo giám đốc một CTCP xuất nhập khẩu máy móc tại Hà Nội, nếu Thống đốc không ra quy định bằng văn bản thì không thể ép các ngân hàng đưa lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm, bởi hạ lãi suất đương nhiên khiến các ngân hàng giảm lợi nhuận. Đặc biệt, đối với những DN vay tại những ngân hàng nhỏ thì việc giảm lãi suất chắc chắn khó xảy ra, vì trước đó, những ngân hàng này đã huy động với lãi suất 17 - 18%/năm.

“Mình cũng nên hiểu thời cuộc. Đây âu cũng là quy luật đào thải. Hãy tự cứu mình trước khi đợi ngân hàng cứu”, vị giám đốc trên nói.

Không thể cào bằng

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP cho rằng, không thể có sự đánh đồng, cào bằng trong việc đưa lãi suất cho vay cũ xuống dưới 15%/năm đối với tất cả các khoản vay. Tại ngân hàng ông, chỉ những khách hàng lâu năm, có khoản vay lớn, chỉ số tín nhiệm cao, không nợ quá hạn… mới được hạ lãi suất; còn những DN hay khách hàng cá nhân mới đặt quan hệ với ngân hàng, khoản vay nhỏ, nợ quá hạn, kinh doanh thua lỗ, chỉ số tín nhiệm thấp thì lãi suất sẽ vẫn còn cao.

“Tuy nhiên, ngân hàng đảm bảo bình quân các khoản vay cũ sẽ xuống dưới 15%/năm”, vị chủ tịch nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB chia sẻ, hoạt động của ngân hàng phải theo đúng quy định của NHNN, nên nếu không có quy định thì DN phải chấp nhận chỉ ngân hàng nào có điều kiện mới giảm lãi suất. Hơn thế, việc hạ lãi suất còn phụ thuộc vào chính “sức khỏe” của từng DN. Giảm lãi suất cho một DN không có khả năng trả nợ hoặc rủi ro hoạt động kinh doanh cao, ngân hàng buộc phải giảm lãi biên xuống, bởi công thức cho vay là: lãi cho vay = giá vốn + rủi ro tín dụng + lãi biên. Cào bằng sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng, mà trong nền kinh tế thị trường, DN nào rủi ro tín dụng lớn thì lãi suất cho vay buộc phải giữ cao.

Cần biện pháp song song

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, cả xã hội hiện đang “vòi vĩnh” hệ thống ngân hàng. DN kêu ca về lãi suất, xem lãi suất cao là nguyên nhân gây khó khăn cho DN, vì lãi suất cao mà DN nợ không thanh toán được, phá sản, điêu đứng… Rồi đòi kéo lãi suất xuống, hạ chuẩn tín dụng, còn nợ không thể thu hồi được từ chính DN lại bắt ngân hàng phải xử lý. Mọi gánh nặng oằn lên vai hệ thống tài chính là một điều không công bằng, phi kinh tế.

“Cần phải nhìn nhận DN lao đao vì nhiều lý do. Một trong những vấn đề DN phải chịu trách nhiệm nhiều nhất trong câu chuyện nợ không thanh toán được đó là dùng vốn sai mục đích, đẩy  tiền vào nền kinh tế một cách vô tội vạ, hậu quả đưa đến là NHNN buộc phải thắt chắt tiền tệ, thắt chặt tín dụng, lãi suất lên cao… Thực tế, lãi suất cao không phải là tội đồ, không phải là tác nhân, mà chỉ là hậu quả của các yếu tố khác”, TS. Hiếu nói.

Còn ông Trung nêu quan điểm: thứ nhất, hiện vấn đề không phải là lãi suất bao nhiêu. Đối với những DN tốt, dòng tiền tốt, tài sản tốt…, VIB có thể cho vay với lãi suất 10,5%/năm; thứ hai, bản chất tiền trong nền kinh tế không còn nhiều như trước, nên các ngân hàng cũng không thể mạnh tay cho vay được; thứ ba, nợ không thể thanh toán được trong hệ thống ngân hàng đang cao, nên đương nhiên các NHTM phải thắt chặt quản trị rủi ro, chứ không thể hạ chuẩn cho vay. Nếu NHNN thành lập công ty mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì cũng chỉ xử lý được phần “váng”, rồi sau đó sẽ lại xuất hiện mới những khoản nợ không thanh toán được, do DN không bán được hàng.

“Do vậy, phải giải quyết hàng tồn kho hiện chiếm khoảng 60 - 70% nợ không thanh toán được của ngân hàng thì mới khơi thông được nút thắt của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ chỉ là một phần trong chính sách vĩ mô, bây giờ là thời điểm cần biện pháp song song, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nếu để mỗi chính sách tiền tệ vận động, nền kinh tế sẽ khó chuyển biến, bài toán kinh tế vĩ mô sẽ không giải quyết được”, ông Trung nói. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét